Xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 20 tỷ USD
Kế hoạch cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0% đến 5,5%/năm, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 18 đến 20 tỷ USD.
Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) vừa ban hành Quyết định số 60/QL-TCLN-KHTC phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Kế hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0% đến 5,5%/năm; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 18 - 20 tỷ USD; tiêu thụ lâm sản thị trường trong nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2025; nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; sản lượng gỗ khai thác từ rừng 2 trồng tập trung đạt 35 triệu m3/năm vào năm 2025; đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản; chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 0,5 triệu ha giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu; tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm tăng 5%. Tỷ lệ lao động làm việc trong lâm nghiệp được đào tạo nghề khoảng 45% vào 2025; mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số làm lâm nghiệp tăng trên 2 lần so với năm 2020. Nâng cao chất lượng rừng nhiên, hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng. Tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ổn định ở mức 42%.
Về định hướng cơ cấu lại ngành Lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, ngành sẽ tập trung đầu tư, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến nông sản theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững. Ưu tiên nguồn lực đầu tư để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng các chuỗi giá trị gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu quốc gia. Tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành để đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực quốc gia; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhằm tháo gỡ các rào cản thương mại, thúc đẩy xuất khẩu.
Các địa phương căn cứ lợi thế, điều kiện cụ thể và nhu cầu thị trường, có cơ chế chính sách và ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển các sản phẩm lâm nghiệp chủ lực cấp tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ; đảm bảo sản phẩm có chất lượng, giá trị cao; có chỉ dẫn địa lý, truy suất nguồn gốc rõ ràng; tăng cường liên kết tạo vùng sản xuất tập trung, gắn với chế biến sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo thị trường ổn định, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, quản lý và thương mại sản phẩm.
Thúc đẩy, triển khai các hoạt động cơ cấu lại sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng ngành Lâm nghiệp sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ như: Phát triển và nâng cao năng suất, chất lượng rừng; nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm lâm nghiệp qua chế biến; phát triển liên kết, thị trường sản phẩm lâm nghiệp; phát triển, nâng cao dịch vụ lâm nghiệp.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2021, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2021 đạt khoảng 15,87 tỷ USD, tăng 20% so với kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,72 tỷ USD; lâm sản ngoài gỗ đạt 1,15 tỷ USD). Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 đạt khoảng 2,93 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Xuất siêu ước cả năm đạt 12,94 tỷ USD tăng 21,2% so với cùng kỳ. Đến hết tháng 12/2021, giá trị suất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành hàng nông lâm thủy sản cả nước; đạt 4,7% kim ngạch xuất khẩu toàn quốc và là 1 trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Giá trị xuất siêu lâm sản lớn nhất trong nhóm các ngành nông lâm thủy sản đóng góp quan trọng vào giá trị xuất siêu của ngành.
Gỗ Việt