Xuất khẩu gỗ của Sarawak phục hồi bất chấp đại dịch
Theo theborneopost.com, hoạt động của ngành gỗ Sarawak tại Malaysia đã phục hồi về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 so với năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19.
Xuất khẩu ngành gỗ được thúc đẩy bởi giá các sản phẩm gỗ chính như ván ép, gỗ tròn, gỗ xẻ và ván sợi tăng. Tổng kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm gỗ Sarawak trong năm 2021 đạt 3,9 tỷ RM (tương đương 09 tỷ USD), tăng 4% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu ván ép đạt 2,2 tỷ RM (tương đương 0,5 tỷ USD), chiếm 56,6% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ trong năm 2021.
Thị trường xuất khẩu chính đối với các sản phẩm gỗ Sarawak là Nhật Bản, đạt 2 tỷ RM (tương đương 0,46 tỷ USD), chiếm 51,3% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Sarawak trong quý I/2022, đạt 1,04 tỷ RM (tương đương 0,24 tỷ USD), tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhật Bản vẫn là nhà nhập khẩu chính các sản phẩm gỗ của Sarawak, đạt 616 triệu RM (tương đương 140 triệu USD), chiếm 59,2% tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2022.
Ngoài ra, xuất khẩu sản phẩm gỗ của Sarawak còn tới các thị trường khác như Ấn Độ đạt 119 triệu RM (tương đương 27,1 triệu USD), Mỹ đạt 61 triệu RM (tương đương 14 triệu USD), Trung Đông đạt 44 triệu RM (tương đương 10 triệu USD), thị trường Đài Loan đạt 43 triệu RM (tương đương với 9,8 triệu USD), Philipine đạt 41 triệu RM (tương đương 9,3 triệu USD).
Về mặt sản phẩm, ván ép có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, đạt 603 triệu RM (tương đương 1.374 triệu USD), tăng 23% trong quý I/2022. Chính phủ bang Sarawak cam kết tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ bằng cách khuyến khích tăng sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như đồ nội thất và các sản phẩm gỗ kỹ thuật, tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và thị trường (R&D).
Chính phủ cũng kỳ vọng tốc độ tăng này có thể được duy trì cho đến cuối năm 2022 và những năm tới, theo đó ngành gỗ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của Sarawak.
Trong kế hoạch Chiến lược Phát triển Post Covid-19 (PCDS) 2030, chính phủ Sarawak cam kết tăng kim ngạch từ việc xuất khẩu các sản phẩm gỗ lên 8 tỷ RM/năm (tương đương 1,8 tỷ USD/năm) vào năm 2030. Với mục tiêu này, trọng tâm là sản xuất các sản phẩm có kim ngạch gia tăng cao như đồ nội thất, sản phẩm gỗ, chế tạo glulam và các sản phẩm làm từ tre, cũng như tăng cường nghiên cứu và phát triển R&D. Mục tiêu này phù hợp với tiềm năng tăng trưởng theo dự báo về thị trường nội thất thế giới.
Theo báo cáo nghiên cứu từ Research and Markets, dự báo đạt 945,53 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng bình quân 4,5%/năm trong giai đoạn 2022 – 2030. Trong đó, thị trường đối với các sản phẩm gỗ và các sản phẩm từ tre tăng đáng kể. Do đó, các doanh nghiệp trong nước nên tận dụng cơ hội này để tăng năng lực sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như sản phẩm nội thất, đồ gỗ và sản phẩm tre.
Ngành gỗ cũng cần thay đổi và thực hiện các cải tiến đối với các công nghệ hiện có, cụ thể là bằng cách thích ứng với Cách mạng Công nghiệp (IR) 4.0 và các công nghệ kỹ thuật số. Bởi việc sử dụng công nghệ này cũng có thể làm giảm sự phụ thuộc vào việc tuyển dụng lao động nước ngoài, vốn cũng góp phần làm tăng chi phí sản xuất và làm giảm năng cạnh tranh.
Chính phủ Sarawak thông qua các cơ quan liên quan, sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành công nghiệp gỗ bằng cách cung cấp các cơ sở hạ tầng cần thiết như phòng thí nghiệm kiểm tra đồ nội thất, các khu công nghiệp nội thất ở Demak Laut và Tanjung Manis; tiến hành hợp tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm với địa phương; tổ chức các lớp học nâng cao tay nghề người lao động...
Gỗ Việt